Là một chuyên gia tư vấn phụ huynh theo chứng chỉ PCI Certified, đồng thời là tác giả cuốn sách “Mẹ Việt nuôi dạy con kiểu Bắc Âu”, chị Linh Phan luôn mong muốn mang đến nhiều hơn giá trị cho cộng đồng và nền giáo dục nước nhà. Đôi khi trẻ làm chuyện bố mẹ phật ý không hẳn do trẻ sai mà các bậc phụ huynh cũng nên nhìn lại bản thân.
Không phải lúc nào con không nghe lời cũng là con sai
“Mẹ đã nói với con bao nhiêu lần rồi?”.
Thực sự thì “bao nhiêu lần” có quan trọng đến thế?
Trong thực tế, vấn đề không phải ở câu chuyện bạn phải nhắc con bao nhiêu lần. Vấn đề là trước khi nhắc con, có lẽ chúng ta nên tự kiểm điểm lại chính mình, để chắc rằng mình không đang làm gì sai.
Rất nhiều phụ huynh đặt câu hỏi cho mình về chuyện vì sao càng lớn đứa trẻ lại càng không chịu nghe lời. Nếu như chiến lược dạy dỗ con của bạn đang dậm chân tại chỗ, có lẽ đã tới lúc cần phải thay đổi gì đó. Biết đâu chúng ta mới là người sai, chứ chẳng phải con?
Muốn biết chắc, các phụ huynh có thể tự đặt cho mình những câu hỏi sau đây.
1. MÌNH CÓ ĐANG KỲ VỌNG QUÁ NHIỀU Ở CON KHÔNG?
Mỗi giai đoạn phát triển, trẻ lại có sự khác biệt về tâm sinh lý, tình cảm, trí tuệ. Hãy nắm được những kiến thức cơ bản và đối chiếu trong trường hợp của con mình. Chẳng hạn tantrums ở giai đoạn 2-3 tuổi hay sự thay đổi ở tuổi dậy thì có thể là những nguyên nhân rất hợp lý cho sự không nghe lời của trẻ.
Hoặc đơn giản là như thế này. Thông thường con trai lớn của tôi sẽ rất mệt vào ngày thứ 2 sau khi đi học về. Lý do là vì ở trường bạn ấy vận động rất nhiều, sau 2 ngày cuối tuần nghỉ ở nhà với cường độ vận động ít hơn, việc trở lại trường và chạy chơi gần như cả ngày ở ngoài trời khiến cho bạn ấy dễ mệt mỏi, dẫn tới cáu bẳn, mè nheo, dễ khóc và chống đối khi về nhà. Khi chấp nhận và chuẩn bị sẵn tinh thần cho điều này, thường hai vợ chồng không mấy khi chấp trước hay lên giọng, dẫu bạn ấy tỏ ra rất khó chịu và vô lý. Mình chỉ cố gắng hiểu và nói nhẹ nhàng để tránh được tối đa những cơn tức giận vô cớ. Có thể ôm, vỗ về để bạn ấy cảm thấy thoải mái hơn.
Với những kiến thức có liên quan tới sự phát triển và hành vi của trẻ, phụ huynh sẽ không chỉ tự điều chỉnh được mong đợi của mình, mà còn hiểu rõ hơn được nhu cầu của con mình. Từ đó, thiết lập những quy tắc, giới hạn tương ứng, phù hợp với con và không yêu cầu con làm những gì mà con không thể làm.
2. QUYẾT ĐỊNH KỶ LUẬT CON CỦA MÌNH CÓ PHÙ HỢP KHÔNG?
Tôi cho rằng quy tắc sẽ chỉ hoạt động khi chúng có thể dự đoán. Chẳng hạn con có hành vi sai trái như là đánh bố mẹ rất đau khi con tức giận. Nếu bạn (hoặc người lớn khác) không kiên quyết trong thái độ thể hiện với con (thay vì nghiêm mặt, giữ tay con lại thì lại cười đùa, có thái độ cổ vũ hoặc thách thức), chỉ cần tới lần 2 như vậy, con sẽ nhận ra ngay cơ hội để phá vỡ các quy tắc. Vậy nên, trước khi kỷ luật con, hãy xem chính mình và những người lớn khác trong nhà có làm gì để con nhận ra hoặc có cơ hội để đi quá giới hạn hay không.
Bố mẹ cũng nên nhớ rằng trong một số trường hợp, trẻ cần thời gian dài để thay đổi hành vi của của chúng. Đừng vội nghĩ rằng bạn phạt con 1 lần hay nhắc nhở 1 lần là có thể hi vọng lần sau con sẽ không làm như vậy nữa. Học các kỹ năng hay thói quen mới rất mất thời gian và kiên nhẫn, người lớn cũng vậy thôi.
3. MÌNH CÓ ĐANG VÔ TÌNH CỔ SÚY CHO HÀNH VI XẤU KHÔNG?
Đôi khi cha mẹ không ý thức đẩy con cái tới một hành động hay quyết định sai trái. Ví dụ nếu con nhiều lần làm mất đồ chơi, nhưng bạn lại cho con những món đồ chơi mới để thay thế, con có thể ngầm hiểu đó là phần thưởng cho hành vi xấu khi con không chịu dọn dẹp và bảo vệ đồ chơi của mình.
4. MÌNH CÓ LÀM GÌ ĐỂ HỖ TRỢ KHI CON LÀM SAI VÀ KHUYẾN KHÍCH KHI CON LÀM ĐÚNG CHƯA?
Người lớn chúng ta không muốn đi làm mà không có lương. Trẻ con sẽ không nhìn thấy việc chúng phải thay đổi hành vi nếu không có sự hiểu biết rõ ràng về hậu quả hay kết quả.
Đừng giới hạn mình với những hậu quả tiêu cực của hành vi xấu, mà hãy nhớ tới tầm quan trọng của kết quả tích cực đối với những hành vi tốt. Trẻ sẽ có động lực hơn khi nhận được sự cổ vũ, động viên hay một lời khen. Thanh thiếu niên và kể cả người lớn cũng cần một sự công nhận khi họ có các quyết định đúng.
5. MÌNH CÓ THỰC SỰ BIẾT CÁCH XỬ TRONG CÁC TÌNH HUỐNG HOẶC CÁCH DẠY CON NHỮNG KỸ NĂNG MỚI?
Một số hành vi tiêu cực của trẻ phát sinh do chúng không biết cách làm thế nào để hành xử trong một tình huống nhất định. Chẳng hạn như chúng đánh để giành giật đồ chơi. Hoặc chúng cáu giận và ném vỡ đồ đạc trong nhà.
Cách xử lý không phải là lôi trẻ ra đánh mắng và lên lớp ngay lập tức, mà cần giúp chúng bình tĩnh lại, sau đó mới giải thích, nói chuyện về việc vì sao một cuộc chiến không giúp con bớt căng thẳng và hướng dẫn những cách đối phó mới.
Bạn cũng có thể chơi trò nhập vai để hướng dẫn và thực hành các kỹ năng mới cùng với con. Không quên khen ngợi hoặc công nhận khi trẻ có hành vi phù hợp.
6. CÁCH MÌNH ĐANG LÀM CÓ ĐƯỢC NGƯỜI LỚN KHÁC TRONG NHÀ ỦNG HỘ KHÔNG?
Nếu có những người chăm sóc khác trong cùng một nhà (ông bà chẳng hạn) và những nguyên tắc không được thống nhất với bạn, bạn cần phải xử lý và thảo luận về vấn đề này. Chẳng hạn khi trẻ làm sai, thay vì chỉ ra lỗi sai và hướng dẫn trẻ, người lớn khác lại lên tiếng bảo vệ, bênh vực trẻ thái quá. Mâu thuẫn từ các tín hiệu mà người lớn mang tới cho trẻ sẽ dẫn tới sự hiểu lầm và xung đột đáng kể trong cuộc sống của một đứa trẻ.
Tất nhiên mỗi người sẽ có những nguyên tắc và giá trị riêng, nhưng riêng trong kỷ luật trẻ, thì rất cần sự thấu hiểu, tôn trọng và đồng lòng với nhau. Nếu nhưng thỏa thuận này không có được hoặc không có sự đồng thuận, thẩm quyền của bạn với con có thể bị giảm sút và tạo ra một bức tường ngăn cách giao tiếp.
7. CÓ CHẮC ĐÓ LÀ HÀNH VI QUAN TRỌNG VÀ BUỘC PHẢI THAY ĐỔI?
Đôi khi cha mẹ chỉ mong muốn thay đổi hành vi của trẻ mà quên lý do tại sao để bắt đầu.
Chẳng hạn nếu trẻ từ chối đi học, đây rõ ràng là một vấn đề cần giải quyết. Nhưng nếu đưá trẻ từ chối chơi một môn thể thao, không muốn tham gia vào một hoạt động tập thể… rất khó để coi nó là một vấn đề. Hãy tìm hiểu lý do và lắng nghe con.
Thường thì cha mẹ luôn bao biện với lý do “vì những điều tốt nhất cho con”, để không làm một số điều trẻ muốn. Kết quả là những điều này có thể dẫn tới xung đột và bất đồng.
Nếu bạn đang không thấy con có sự thay đổi hoặc nghe lợi, hãy thử quay trở lại, ngồi xuống và đánh giá lại tình hình. Hãy hỗ trợ, lắng nghe con nhiều hơn. Thay vì tiếp tục lớn tiếng và trách móc khi con không chịu nghe theo những lời nhắc nhở hay lựa chọn của bố mẹ.
Nhịp Sống Kinh Tế
Nguồn : https://cafef.vn/