Khi cha mẹ hiểu rằng được, mất nhất thời không phải là kết quả tuyệt đối, họ mới không truyền cho con cái những cảm xúc tiêu cực, quá quan tâm đến kết quả cuối cùng. Tuyệt đối không nên đặt ra cho con những câu hỏi: “Tại sao hôm nay con không được điểm cao nhất? Con làm sai cái gì? Mẹ không chịu nổi con”, bởi vì câu hỏi này khiến cho trẻ hiểu rằng: Cha mẹ lấy được – mất là thước đo tình cảm yêu thương dành cho con cái.
Làm gì khi trẻ có tính hơn thua?
Mặt tốt của tính hơn thua là dám cạnh tranh, không muốn kém người khác. Nhưng nếu không được giáo dục, trẻ sẽ có tính cách coi thường kẻ yếu, tự ti trước kẻ mạnh hơn.
Nhiều phụ huynh phàn nàn về việc con cái có tính hơn thua. Trong một cuộc đua, một kỳ thi, nếu đạt điểm cao nhất, đứa trẻ sẽ vui sướng. Nhưng nếu điểm bị thấp hơn bạn, trẻ trở nên hậm hực, tức giận, thậm chí là mất bình tĩnh. Nhiều cha mẹ dở khóc dở cười vì không biết làm thế nào để giúp con vượt qua cảm xúc này.
Trẻ có tính hơn thua quá mạnh thường không biết hợp tác với người khác, khả năng chịu đựng nỗi thất vọng kém. Khi đối mặt với cuộc sống thăng trầm, trẻ sẽ khó thành công.
Để giúp trẻ loại bỏ tính hơn thua và khách quan hơn khi đối diện với sự được – mất, cha mẹ cần phải hiểu rõ yếu tố nào ảnh hưởng đến tính cách này của trẻ.
Trẻ bị tác động từ người lớn
Người lớn thường coi khái niệm được và mất là “định hướng mục tiêu”. Tức là, đạt được mục tiêu là được, không đạt được mục tiêu là mất. Quan điểm của trẻ cũng bị ảnh hưởng bởi cảm xúc này.
Dưới tác động đó, trẻ không quan tâm đến những gì mình nhận được, mà quan tâm đến việc bố mẹ, người thân có hài lòng không. Việc trẻ cảm thấy người lớn thích mình, vui vẻ khi mình đạt được một cái gì đó, hoặc tức giận với mình, khiến trẻ dần hình thành tâm lý lo lắng về “được” và “mất”, nhằm làm hài lòng người lớn. Ví dụ, mẹ mắng đứa trẻ: “Tại sao con không được điểm cao nhất?”, câu này sẽ khiến trẻ hình thành suy nghĩ: “Mẹ muốn mình được điểm cao nhất mới vui, mới yêu thương mình”.
Trên thực tế, trẻ hình thành khái niệm được, mất bởi vì trẻ coi trọng mối quan hệ giữa bản thân và mọi người (bố mẹ, thầy cô)… , trẻ muốn có được sự đánh giá cao, sự ghi nhận và hài lòng của họ.
Tác động bởi các yếu tố giá trị
Trong môi trường cạnh tranh và tương tác, trẻ bắt đầu học cách so sánh. Trẻ có khái niệm tốt, xấu, giỏi, kém, nhưng không quá quan tâm đến điều này. Chỉ khi bố mẹ tự cộng giá trị được, mất cho con, thôi thúc con hình thành suy nghĩ điểm cao là giỏi giang, là xuất sắc, điểm thấp là đáng xấu hổ, thì trẻ mới bắt đầu bận tâm nhiều về việc làm sao để bản thân là người tốt nhất.
Điểm tiêu cực của việc này là khi cha mẹ nói rằng điểm kém là thất bại, là kém cỏi, thì đây sẽ như một “lời nguyền” giáng lên đầu đứa trẻ, khiến cho nó luôn tự trách mình, thậm chí cảm thấy day dứt, khó chịu.
Làm thế nào để khắc phục tâm lý hơn thua của trẻ?
Đôi khi cha mẹ nuông tính hơn thua của con mà không biết. Ví dụ, khi chơi game với con, vì nghĩ con còn nhỏ nên thường nhường con, để trẻ thắng cả. Đến khi thua một ván khi chơi với bạn, trẻ hậm hực, tức tối. Muốn trẻ hứng thú với một trò chơi nào đó, nên khéo léo trong việc hợp tác với con. Đừng để trẻ luôn thắng, không thì trẻ sẽ ngạo mạn. Đừng để trẻ luôn thua, không thì trẻ sẽ tự ti, mất hứng thú với trò chơi. Với việc học hành cũng như vậy. Nhờ thế, khi trẻ tương tác đồng đẳng, chúng sẽ “thắng không kiêu, bại không nản”, vì chúng hiểu rằng ai cũng có lúc thắng, lúc thua.
Trong quá trình dạy trẻ, cần phải giúp con hiểu thực tế: Chiến thắng hay thất bại chỉ là vấn đề của một cuộc đấu, thắng thật tuyệt, nhưng thua cũng không sao, vấn đề là ở chỗ con đã cố gắng hết sức hay chưa? Nếu con đã cố gắng hết sức mà gặp phải đối thủ mạnh, thì thua cũng không phải là vấn đề gì quá to tát. Thừa nhận việc thua không có nghĩa là thất bại, là mãi mãi thua kém. Được, hay mất đều là những trải nghiệm cần thiết cho sự trưởng thành, có ý nghĩ tích cực, quan trọng với trẻ.
Vì vậy, nên khuyến khích trẻ xem xét xem mình thua ở đâu để rút kinh nghiệm, cải thiện bản thân, phấn đấu giành chiến thắng trong lần sau. Cần trau dồi cho trẻ tâm lý hướng tới quá trình, tập trung vào cả quá trình để đạt được kết quả. Bản thân cha mẹ cũng cần đánh giá cao những nỗ lực của con cái trong quá trình, chứ không phải là một kết quả thể hiện trên bài thi, trò game…
Bên cạnh đó, bạn nên dạy cho trẻ phân biệt giữa trò chơi cạnh tranh và trò chơi hợp tác, để trẻ hiểu cuộc sống không chỉ có cạnh tranh, hơn thua, mà còn có sự kết nối, hợp tác để trẻ giảm bớt thái độ ganh đua, hơn thua.
Ngoài ra, bạn nên điều chỉnh cho con khái niệm về được, mất. Ban đầu, cha mẹ nên kiểm lại bản thân trước: Quan điểm của chính cha mẹ về sự được, mất có đúng đắn hay không?
Khi cha mẹ hiểu rằng được, mất nhất thời không phải là kết quả tuyệt đối, họ mới không truyền cho con cái những cảm xúc tiêu cực, quá quan tâm đến kết quả cuối cùng. Tuyệt đối không nên đặt ra cho con những câu hỏi: “Tại sao hôm nay con không được điểm cao nhất? Con làm sai cái gì? Mẹ không chịu nổi con”, bởi vì câu hỏi này khiến cho trẻ hiểu rằng: Cha mẹ lấy được – mất là thước đo tình cảm yêu thương dành cho con cái.
Cuối cùng, là làm dịu nỗi thất vọng của trẻ. Đương nhiên, khi không đạt được một kết quả nào đó như ý, trẻ sẽ nảy sinh cảm xúc thất vọng. Trẻ sẽ cần cha mẹ đón nhận cảm xúc của mình, sau đó là an ủi bằng sự đồng cảm. Hãy khéo léo để trẻ hiểu rằng cha mẹ hiểu cảm xúc của con, đồng thời động viên con cố gắng hơn.
Bạn nên truyền đạt đến con thông điệp rằng kết quả đó không có nghĩa là trẻ không đủ khả năng, không thể nào làm tốt… Đừng quên cho con thấy, dù kết quả của con thế nào, bạn vẫn luôn yêu thương, đồng hành cùng con.
Bạn có thể kể trực tiếp câu chuyện của bản thân mình, cho con hiểu con không phải là người duy nhất thua, thất bại. Khi trẻ cảm nhận được sự ấm áp của cha mẹ, trẻ sẽ loại dần cảm giác hằn học, tâm lý hơn thua ra khỏi đầu mình và dần học cách chấp nhận bản thân. Điều quan trọng trong suốt quá trình này, là bạn biết lắng nghe và phân tích thấu tình đạt lý, để trẻ hiểu bạn tôn trọng và sẵn sàng giúp đỡ con.
Thùy Linh (Theo Aboluowang)
Nguồn : https://vnexpress.net/lam-gi-khi-tre-co-tinh-hon-thua-4153475.html